CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Todocabi là gì?

Todocabi là Tớ đố cậu biết- Đây là một chiến dịch về Ngân sách Nhà nước!

2.Mục đích của dự án là gì?

Todocabi ủng hộ thông qua khuyến nghị “Công khai phương án phân bổ ngân sách Nhà nước trước khi phê duyệt ở tất cả các cấp” trong kỳ họp Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 6/2015.
Chúng ta là người dân đóng thuế và có quyền được biết tiền thuế của mình sẽ được chi vào việc gì. Chúng ta có quyền được biết nhiều hơn là chỉ "Biết một nửa" về ngân sách Nhà nước như hiện nay.

3.Vì sao cần công khai?

Việc công khai sẽ thúc đẩy:
- Người dân đóng góp ý kiến về việc họ muốn tiền được dùng vào việc gì mà chính họ cần nhất.
- Người dân tham gia giám sát việc sử dụng, tránh lãng phí, tham nhũng.
Bằng cách này, chúng ta cũng đang giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước trong việc lập và thực hiện chi NSNN.

4.Các quốc gia khác có công khai không?

Theo khảo sát về minh bạch ngân sách (Open Budget Index - OBI 2012), 79/100 quốc gia được khảo sát đã công khai phương án phân bổ ngân sách Nhà nước trước khi phê duyệt và ghi nhận những thay đổi tích cực từ việc thực hiện lập và chi ngân sách Nhà nước có sự tham gia của người dân.
Cũng theo khảo sát này, chỉ số OBI 2012 của Việt Nam là 19/100, trong khi điểm trung bình của các quốc gia khảo sát là 43/100.

5.Cách TODOCABI làm việc?

1/ Tạo ra các sản phẩm minh họa các kiến thức liên quan đến minh bạch ngân sách Nhà nước và sự tham gia của người dân.
2/ Xây dựng một nền tảng vote để bạn bày tỏ ý kiến của mình sau khi đọc những thông tin trên
3/ Tổng hợp ý kiến gửi đến các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6/2015 sắp tới.

6.Ai là người làm chiến dịch này?

Chuỗi các hoạt động TODOCABI thuộc kế hoạch nâng cao nhận thức công chúng về minh bạch ngân sách của Nhóm các tổ chức làm về Minh bạch ngân sách bao gồm CDI, CEPEW, GPAR, ACDC và CECEM, với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam. Ếch Phu Hồ trực tiếp thực hiện.

7.NSNN liên quan gì đến tôi?

Tiền thuế - phí của chúng ta chiếm hơn 90% tổng ngân sách Nhà nước. Câu chuyện ngân sách cũng chính là câu chuyện về tiền của chúng ta.
Bấm vào Giếng 6: Tiền về nơi đâu? để xem tiền đã ra khỏi túi của bạn như thế nào.

8.Tôi cần làm gì để tham gia chiến dịch?

Xem, vote và chia sẻ!!!

CÂU HỎI KHÔNG THƯỜNG GẶP

1.Các hoạt động này bắt đầu từ đâu?

•Chuỗi các hoạt động TODOCABI thuộc kế hoạch nâng cao nhận thức công chúng về minh bạch ngân sách của Nhóm các tổ chức làm về Minh bạch ngân sách bao gồm CDI, CEPEW, GPAR, ACDC và CECEM, với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam..

Kết quả tham vấn công chúng về dự thảo Luật NSNN sửa đổi do Nhóm minh bạch ngân sách thực hiện, với sự hỗ trợ của Uỷ ban tài chính Ngân sách của Quốc Hội, cho thấy NSNN còn chưa được người dân quan tâm và họ thiếu thông tin. Rất nhiều người dân không nghĩ NSNN là từ tiền thuế mình đóng góp nên chưa thực hành quyền giám sát của mình về thu chi NSNN. Do đó bên cạnh việc Nhà nước cải thiện khuôn khổ pháp lý tạo điêu kiện người dân tham gia giám sát NSNN, rất cần nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này, để họ thực hành tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình, giúp xây dựng nền tài chính công hiệu quả, minh bạch và giảm tham nhũng.

•Ếch Phu Hồ là một số các bạn trẻ có quan tâm, hiểu biết về lĩnh vực này một cách nghiêm túc. Các bạn triển khai một chuỗi các hoạt động nâng cao nhận thức rất thú vị và sáng tạo về minh bạch ngân sách, với sự hỗ trợ của Nhóm minh bạch ngân sách.

•Khi tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức của nhóm, mọi người sẽ không có cảm giác mơ hồ, viển vông, ngược lại sẽ rất thiết thực vì họ sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến tới Quốc hội về dự thảo Luật NS sửa đổi, thúc đẩy công khai ngân sách và sự tham gia của người dân. Nắm bắt được khuôn khổ pháp lý này (Luật NSNN sửa đổi), họ sẽ thấy được sự cởi mở, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và qua đó tận dụng khuôn khổ pháp lý này thực hành quyền và trách nhiệm của mình.

2. Những vấn đề xung quanh ngân sách Nhà nước

2.1. Các khoản chi ngân sách gồm những khoản nào?

  • Nhóm chi thường xuyên bao gồm các khoản chi như lương thưởng, công tác, hội họp, thiết bị văn phòng, chi thanh tóan dịch vụ công cộng, công tác phí, chi các khoản đặc thù, chi sửa chữa thường xuyên tài sản cố địnhphục vụ công tác chuyên môn…Nói chung, chi thường xuyên được hiểu là khoản chi nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của Nhà nước.
  • Nhóm chi đầu tư phát triển là các khoản chi dài hạn nhằm làm tăng cơ sở vật chất của đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như điện đường trường trạm.
  • Nhóm chi trả nợ và viện trợ bao gồm các khoản chi để nhà nước thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản đã vay trong nước, vay nước ngoài khi đến hạn và các khoản chi làm nghĩa vụ quốc tế.
  • Nhóm chi dự trữ quốc gia phục vụ việc dự trữ cho các biến động bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai…
Việc phân loại này chỉ mang tính chất tương đối, có nhiều tiêu chí phân loại chi ngân sách khác nhau.
Dự thảo dự toán NSNN hiểu đơn giản là bản ghi đầy đủ việc sử dụng ngân sách như thế nào cho những khoản chi trên trong năm sau.

2.2. Quy trình phê duyệt ngân sách Nhà nước

Mốc thời gian Nội dung công việc
31/5 Thủ tướng Chính phủ (TTCP) ban hành Chỉ thị về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm sau
10/6 Bộ Tài chính (Bộ TC), Bộ Kế hoạch đầu tư (Bộ KHĐT) ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán
20/7 - Các cơ quan nhà nước ở trung ương gửi báo cáo đến Bộ TC, Bộ KHĐT;
- UBND tỉnh gửi báo cáo dự toán ngân sách địa phương (NSĐP) đến Thường trực HĐND tỉnh.
25/7 UBND tỉnh gửi báo cáo dự toán đến BTC, Bộ KHĐT và cơ quan quản lý CTMTQG
5/10 Thủ tướng Chính phủ (TTCP) ban hành Chỉ thị về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm sau
5/10 Uỷ ban tài chính ngân sách thẩm tra của Quốc hội.
18/10 Uỷ ban thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
15/11 Quốc hội họp, thông qua nghị quyết về dự toán NSNN năm sau, phân bổ NSTW năm sau.
20/11 TTCP giao nhiệm vụ thu, chi NS cho các Bộ, ngành, địa phương.
10/12 HĐND cấp tỉnh quyết định dự toán NSĐP, phân bổ NSĐP.
20/12 HĐND cấp huyện quyết định dự toán NS huyện.
31/12 HĐND xã quyết định dự toán NS xã.

2.3. Ai đóng vai trò quyết định phương án phân bổ ngân sách ở từng cấp?

Tùy theo cấp, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân có quyền quyết định phê duyệt phương án phân bổ ngân sách ở cấp mình cho năm sau.

3.Những vấn đề về công khai và giải trình sau công khai

3.1. Công khai tốn kém lắm?

Trước tiên, hãy công khai trên website.

3.2. Công khai sẽ lộ bí mật quốc gia?

Thế giới đã đưa ra một số chuẩn mực về công khai ngân sách, ví dụ như Chỉ số Công khai Ngân sách (OBI ) (*), Quy tắc về Minh bạch tài khóa của IMF (**). Theo đó, việc công khai phương án phân bổ ngân sách Nhà nước trước khi phê duyệt đã được thực hiện ở rất nhiều quốc gia và không gây phương hại đến bí mật quốc gia với mức độ công khai hợp lý. Một số ngân sách quốc phòng, an ninh, ngoại giao... thuộc bí mật quốc gia có thể không công khai chi tiết.
(*) Khảo sát chỉ số Công khai Ngân sách (OBI) được thực hiện bởi IBP (International Budget Partnership) từ 2006 tại 100 quốc gia trên thế giới. Điểm số của OBI dựa trên đánh giá theo 92 câu hỏi bao gồm các nội dung: (i) sự tồn tại và công khai 8 văn bản ngân sách chính và mức độ toàn diện của dữ liệu; và (ii) sự tham gia của công chúng và các thể chế về trách nhiệm giải trình.
8 loại văn bản mà IBP khuyến nghị cần công khai gồm:

  • Pre- budget statement: Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm sau.
  • Executive’s Budget Proposal: Dự thảo dự toán ngân sách Nhà nước (chính là phương án phân bổ ngân sách Nhà nước trước khi phê duyệt)
  • Enacted Budget: Dự toán ngân sách Nhà nước (chính là phương án phân bổ ngân sách Nhà nước sau khi được phê duyệt)
  • In-Year Reports: Báo cáo định kì (theo tháng hoặc quý)
  • Mid-Year Review: Báo cáo giữa kì (khi kết thúc nửa đầu của năm tài khóa)
  • Year-End Report: Báo cáo cuối kỳ (khi kết thúc năm tài khóa)
  • Audit Report: Báo cáo kiểm toán NSNN
  • Civil budget: Ngân sách công dân là là tài liệu trình bày dưới dạng đơn giản, dễ hiệu các số liệu, thông tin về phân bổ và quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước của các cấp ngân sách; được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các thông tin về phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.
Các văn bản này được đánh giá theo mức độ hoàn thiện (complete), nguyên bản (primary), đúng hạn (timely) và dễ tiếp cận (Accessible, Machine processable, Non-discriminatory, Nonproprietary, License-free)
Tham khảo link này:
http://www.obstracker.org/datagathering
(**) Quy tắc về Minh bạch tài khóa của IMF: FTC Quy tắc Minh bạch tài khóa ( FTC) được khởi xướng vào năm 1998, và được cập nhật năm 2001 và năm 2007, Bộ quy tắc này vạch ra những chuẩn mực thông lệ tốt về minh bạch tài khóa theo 45 nội dung của hệ thống quản lý Tài chính công (PFM) của quốc gia, được nhóm theo 4 trụ cột: (i) Vai trò và trách nhiệm rõ ràng về quản lý tài chính công (PFM); (ii) quy trình ngân sách mở; (iii) công khai thông tin tài khóa; và (iv) đảm bảo liêm chính; bao gồm các vấn đề chất lượng dữ liệu và giám sát bên ngoài. IMF phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong nước đánh giá về hiệu quả thực hiện các khía cạnh đó qua báo cáo quan sát về chuẩn mực và quy tắc (ROSC), trong đó có đưa ra khuyến nghị về cải cách Quản lý tài chính công (PFM) nhằm cải thiện về minh bạch tài khóa.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo phát biểu của ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội về vấn đề minh bạch ngân sách quốc phòng:
http://news.zing.vn/Viet-Nam-chi-bao-nhieu-cho-quoc-phong-post420668.html

3.3. Công khai xong, tôi cũng có hiểu gì đâu mà đọc?

Như khuyến nghị của IBP, việc công khai ngân sách cần được đi kèm:
- Công khai một "Ngân sách công dân" - NSNN được trình bày dưới dạng đơn giản, dễ hiệu, tránh quá nhiều thuật ngữ.
- Thiết lập một cơ chế các giải đáp thắc mắc của người dân trong vòng 15 ngày. Đây cũng là nội dung đã quy định ở NĐ182 do thủ tướng Phan Văn Khải ký về công khai, minh bạch ngân sách.
Đây là trách nhiệm giải trình sau công khai, nó sẽ là một câu chuyện dài. Trong chiến dịch TODOCABI, chúng tôi chỉ tập trung vào mục đích công khai trước.

3.4. Nếu tôi không có nhu cầu biết và cũng chẳng đóng góp ý kiến được thì không cần công khai nữa phải không?

Công khai là bước đầu của minh bạch và giải trình. Bản thân việc công khai sẽ tạo động lực để Nhà nước sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả hơn, chưa cần tác động từ phía người dân.
Việc công khai sẽ giúp những chuyên gia kinh tế, những viện nghiên cứu, người người quan tâm có thể tiếp cận và đóng góp ý kiến. Bạn- với tư cách là một công dân đóng thuế, đang ủng hộ không chỉ cho bạn mà cho những người thực sự quan tâm và đủ năng lực được thực hiện quyền chính đáng mà tất cả chúng ta phải được hưởng: biết tiền của mình sẽ được sử dụng như thế nào.

4. Tình trạng minh bạch ngân sách Nhà nước ở Việt Nam và trên thế giới

4.1. Việc minh bạch ngân sách ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Căn cứ chỉ số công khai ngân sách (Open Budget Index - OBI 2012), Việt Nam chỉ được 19/100, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực như Indonesia (62 điểm), Philippines (50 điểm) và Thái Lan (36 điểm). Điểm trung bình của 100 nước được nghiên cứu là 43/100.
Trong 100 quốc gia được khảo sát, 79 quốc gia đã công khai dự thảo dự toán NSNN theo hướng dẫn của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2007 về minh bạch tài chính thông qua quá trình công khai ngân sách và thông tin công.
Tham khảo số liệu tại
http://internationalbudget.org/what-we-do/open-budget-survey/rankings-keyfindings/rankings/

4.2. Việt Nam có tiến bộ gì về công khai ngân sách các năm qua không?

Việt nam có nhiều tiến bộ trong việc minh bạch ngân sách, từ điểm 3 -> 10 -> 14 -> 19 qua các năm 2006, 2008, 2010 và 2012. Do Việt Nam đã bắt đầu công khai các báo cáo thu chi ngân sách Nhà nước định kỳ (in- year report)và báo cáo kiểm toán (audit report) và Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm sau (pre- budget statement).
Tình trạng công khai ngân sách ở Việt Nam: http://www.obstracker.org/status/Vietnam

4.3. Các quốc khác công khai như thế nào?

Tham khảo các case- study các quốc gia khác tại trang của IBP
http://internationalbudget.org/who-does-budget-work/case-studies/by-country/
Tham khảo Tổng hợp luật ngân sách 6 nước và khuyến nghị cho Việt Nam của phó Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Thị Thúy Nguyệt tại đây http://tinyurl.com/p9u6l3g

Xin chào, chúng tôi cần bạn đăng nhập vào facebook để có thể gửi ý kiến.
Đây là một nỗ lực của chúng tôi để hạn chế spam và đảm bảo những ý kiến gửi tới các đại biểu Quốc hội là chính danh.
Cảm ơn bạn đã tham gia chiến dịch.

Đọc thêm về chính sách bảo mật của chúng tôi.
Đóng