Thuế đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo vận hành của nhà nước. Không có nguồn thu nào bền vững và ổn định như thuế. Ở Việt Nam, nếu không kể nguồn thu từ dầu thô, thuế đóng góp 90% tổng thu ngân sách.
Tuy nhiên, giai đoạn sau 2018, nguồn thu thuế tại Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ suy giảm. Việt Nam là một nước tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới. Việt Nam cũng đã và đang là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Như vậy, khi các cam kết trong WTO và các FTA trong và ngoài khu vực hoàn thành cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, dự kiến nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm.
Ngoài ra, sức ép từ vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách của Việt Nam do bị ảnh hưởng từ lãng phí trong đầu tư, kỷ luật ngân sách kém ngày càng gây áp lực tới việc đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững cho việc vận hành Nhà nước.
Trước sức ép tăng nguồn thu để đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu, Bộ Tài chính đã buộc phải nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung các luật thuế để mở rộng cơ sở thuế. Từ năm 2017 cho đến đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa các kiến nghị về việc tăng thuế suất với nhiều sắc thuế ví dụ như phương án tăng thuế Giá trị gia tăng từ mức 10% lên 12%; đề xuất tăng thuế Bảo vệ môi trường với xăng, dầu; xây dựng dự thảo đánh thuế Tài sản...
TODOCABI tin rằng, chúng ta, với tư cách là công dân Việt Nam, có quyền và trách nhiệm bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề thu-chi của nhà nước bởi cuối cùng thì ngân sách nhà nước cũng là tiền thuế của chúng ta mà ra. Tiếng nói của chúng ta càng mạnh mẽ, càng chí lý thì khả năng tạo ra tác động của chúng ta càng lớn!
Thuế không chỉ là tiền, thuế còn thể hiện niềm tin của người dân vào Nhà nước.
Để người dân tin tưởng ủng hộ đề xuất tăng thuế, Chính phủ phải đảm bảo được sự hợp lý, minh bạch của các khoản chi tiêu Chính phủ. Chính sách thuế phải đảm bảo công bằng, giảm thiểu gánh nặng thuế cho người dân và tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế, xã hội.
Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Sản xuất hoặc sưu tầm các sản phẩm minh họa kiến thức liên quan đến thuế và sự công bằng khi đánh thuế, sự minh bạch- hiệu quả của chi tiêu ngân sách.
Thúc đẩy thảo luận xung quanh vấn đề thuế
Trong các dịp phù hợp và cần thiết, Todocabi tập hợp ý kiến của độc giả (thông qua hình thức vote) về một khuyến nghị có tính thời sự nào đó.
Todocabi 2018 thuộc kế hoạch nâng cao nhận thức về thuế của Liên Minh Công Bằng Thuế, với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam.
Liên Minh Công Bằng Thuế là tập hợp các tổ chức, chuyên gia chia sẻ tầm nhìn thúc đẩy công bằng xã hội và vì một Việt Nam phát triển bền vững, thông qua các chính sách thuế, ngân sách được xây dựng một cách minh bạch, giải trình, công bằng và bình đẳng.
Thành viên của Liên Minh Công Bằng Thuế gồm
Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW)
Nhóm làm truyền thông xã hội về các vấn đề công bằng thuế Todocabi
Xem, vote và chia sẻ chiến dịch cho bạn bè của bạn.
Với cách đánh giá về bối cảnh và cơ hội vận động chính sách như trên, trong giai đoạn tháng 2018-2020, Liên Minh dự kiến thực hiện các mảng hoạt động/ vận động chính sách chính như sau:
Các nghiên cứu về các chính sách thuế theo chương trình nghị sự của Quốc Hội: Thuế tài sản, Ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật Đặc khu, Chính sách chi tiêu thuế, v.v…
Sáng kiến vận động chính sách thông qua các diễn đàn định kỳ về chủ đề Công bằng Thuế. Các diễn đàn dự kiến sẽ trở thành sự kiện định kỳ được mong đợi của giới báo chí và công chúng, thảo luận các vấn đề nóng hổi về chính sách thuế tại Việt Nam.
Báo cáo về Công bằng Thuế Việt Nam (Fair Tax Monitoring), dự kiến thực hiện định kỳ hàng năm.